+84 706 964 4144 Truy cập trong tháng: 1768

Chào mừng các bạn đến với trang Website của chúng mình! Đây là trang Website nằm trong dự án thi Khoa học kĩ thuật trung học năm 2023 - 2024 về Đề tài Quảng bá du lịch cộng đồng tại huyện A Lưới của nhóm học sinh trường THCS – THPT Trường Sơn.

Đây là kênh dẫn mà chúng mình chia sẻ những nét độc đáo, đầy bản sắc của cảnh quan thiên nhiên và văn hóa của quê hương. Ấp ủ ước mơ quảng bá thương hiệu du lịch quê nhà, chúng mình đã đi, trải nghiệm rất nhiều điểm tại huyện A Lưới và chọn lọc kĩ lưỡng để viết lên những bài chia sẻ. Hi vọng mỗi bài viết, mỗi hình ảnh sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn về vùng đất biên giới A Lưới. Sẽ rất vui và hạnh phúc khi có cơ hội gặp bạn ở mảnh đất xinh đẹp này!

Nhóm chúng mình cũng đã phát hành Ebook Sổ tay du lịch A Lưới, bạn có thể tải về và sử dụng cho chuyến đi sắp tới của mình nhé! A Lưới hân hoan chào đón bạn ghé thăm!

Nhóm Dự án Quảng bá du lịch cộng đồng huyện A Lưới

Bài viết

Như một người bản địa

A Lưới là huyện miền núi biên giới của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nằm cách trung thâm thành phố Huế khoảng 70km về phía Tây, thuộc khu vực của dãy Trường Sơn Bắc, nằm ở độ cao 600 – 800 so với mực nước biển, trên tuyến quốc lộ 49, nối liền tuyến đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 1A. Ảnh hưởng bởi điều kiện địa hình, A Lưới mang khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia thành hai mùa chính: mùa mưa (tháng 9 -12) và mùa khô (tháng 5 – 8).

A Lưới với diện tích khoảng 1.232,7 km² là một vùng đất khiêm nhường, lặng lẽ nhưng ẩn chứa bao điều kì diệu của cảnh sắc thiên nhiên. Phong cảnh thiên nhiên A Lưới ngập tràn màu xanh của núi non Trường Sơn trùng trùng điệp điệp hùng vĩ, tô điểm là những con suối A Lin, A Sáp, Tà Rình uốn lượn theo từng nếp núi, những con thác cao A Nôr, Pông Chất ầm ầm đổ xuống… một thung lũng quanh năm đắm mình trong mây và sương mù.

A Lưới là địa bàn sinh sống, cư tụ lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số anh em: Pa Cô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy trong các thung lũng dọc dãy Trường Sơn, đến năm 1976 huyện A Lưới được thành lập và có đồng bào Kinh lên xây dựng quê hương mới. Mảnh đất này lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, đặc biệt là các lễ hội truyền thống văn hóa dân tộc, như: A Riêu Ping, A Da…, các điệu hát Cha Chấp, dân ca cổ…, món ăn truyền thống bánh nếp A Quát, rượu Đoác… Chính sự đa dạng, phong phú, đặc sắc trong văn hóa dân tộc đã tạo nên nét riêng văn hóa của A Lưới không trùng lặp với các địa danh khác.

A Lưới là căn cứ địa cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Đây là mảnh đất lưu giữ những kí ức oai hùng của nhân dân địa phương khi thung lũng vùng cao này từng là nơi chứng kiến những trận đánh kinh hoàng, tàn khốc tại những địa danh đã đi vào lịch sử như: A Sầu, A Roàng, đồi A Bia, địa đạo Động So, sân bay A So, đường mòn Hồ Chí Minh… Mảnh đất A Lưới và con người nơi đây đã ghi nên bao chiến công oanh liệt với nhiều tên đất, tên người đã đi vào lịch sử. Trong chiến tranh, đồng bào các dân tộc ở A Lưới đùm bọc, che chở, giúp đỡ, bảo vệ cán bộ, bộ đội và để lại nhiều dấu tích anh hùng.

Trải qua nhiều năm đổi mới và phát triển, A Lưới dần dần thay da đổi thịt, đời sống người dân được cải thiện, cơ sở hạ tầng như đường sá, thủy lợi, nước sinh hoạt đã được đầu tư nâng cấp. Từ một huyện miền núi nghèo, đến nay, A Lưới đã và đang từng bước phát triển, bộ mặt nông thôn miền núi đã có nhiều khởi sắc. Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, hệ thống làng nghề đa dạng, lưu giữ được nhiều phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, văn hóa ẩm thực, lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số... hứa hẹn là một điểm đến đầy bất ngờ, thú vị với du khách.

Đi như thế nào, ở đâu và ăn chơi gì khi đến A Lưới? Dưới đây, là những thông tin chia sẻ về kinh nghiệm du lịch A Lưới an toàn, trọn vẹn nhất mà các bạn có thể tham khảo cho chuyến đi của mình nhé!

Hướng dẫn di chuyển đến A Lưới

Cách trung tâm thành phố Huế hơn 70 km, đường đến A Lưới hiện nay khá thuận tiện. Bạn có thể di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô. Nếu bạn muốn chinh phục những cung đường quanh co, uốn lượn, thử thách tay lái bản thân trên những con đèo cao quanh năm mây phủ hãy lựa chọn tự lái xe máy, ô tô theo quốc lộ 41 đến A Lưới. Nếu muốn chuyến đi trở nên dễ dàng, thoải mái hơn bạn có thể đi taxi hoặc xe bus tại bến xe phía Nam thành phố Huế. Giờ đây, có nhiều nhà xe và khung giờ để bạn lựa chọn như: Phương Trang, Phi Long, Phúc Đạt… vào các khung giờ từ 5h đến 17h hằng ngày, giá vé từ 50 -80.000đ/1 người.

Thời điểm lý tưởng đến A Lưới

Đặc sản của A Lưới là những con suối A Lin, A Sáp, Tà Rình, A Nôr…mát lành nằm giữa núi rừng hùng vĩ, vậy nên thời điểm tốt nhất để du lịch có lẽ là vào mùa hè. Lúc này cây cối xanh tươi, thời tiết nắng nhẹ đủ để bạn có thể thỏa thích đắm mình trong những dòng suối mát lành, đặt chân khám phá những cảnh rừng nguyên sinh đầy bí ẩn. Sáng sớm ngày hè, A Lưới khoác lên mình một lớp sương mờ ảo cùng với không khí núi rừng se se lạnh, bạn sẽ có cảm tưởng như lạc vào thế giới mộng mơ huyền ảo. Chỉ cần hít căng lồng ngực chút khí trời thuần khiết đó, bao mệt mỏi của cuộc sống bỗng chốc tan biến, trở nên nhẹ tựa lớp sương sớm kia

Nhưng, cũng rất thú vị khi bạn đến A Lưới vào mùa Đông. Khi những cơn gió mùa Đông Bắc ùa về khắp thung lũng, bạn sẽ thấm thía cái lạnh cắt da cắt thịt của mảnh đất nơi biên cương, để rồi mới nhận ra rõ hương vị ấm nồng nơi cổ họng khi thưởng thức vị rượu Sim, rượu Đoác; cái cay đến xé lưỡi khi nếm những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số với hương tiêu rừng nồng nàn; lắng nghe âm thanh tí tách của củi khô bên bếp lửa lắng nghe những câu chuyện đầy biến động của cộng đồng người dân bản địa, cùng nghe Già làng kể về những năm tháng chiến tranh ác liệt mà oai hùng tại các nhà cộng đồng.

Dù đến A Lưới vào thời gian nào, xuân, hạ, thu, đông, bạn đều có thể nhận ra vẻ đẹp khó quên ở mảnh đất biên giới này

Du lịch A Lưới cần mang theo gì?

Trang phục: Thời tiết A Lưới ban đêm và sáng sớm hơi se lạnh, bạn nên chuẩn bị cho mình một chiếc áo khoác mỏng để giữ ấm cho cơ thể lúc cần. Ngoài ra nơi đây là thiên đường của những con suối và thác nước rất nên thơ, nên hãy chuẩn bị những bộ đồ bơi để có những trải nghiệm thú vị nhất ở đây nhé.

Giấy tờ tùy thân: Bạn cần mang theo đầy đủ các giấy tờ như Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân và một số giấy tờ tùy thân khác. Với các bạn phượt thủ thì nên mang đầy đủ bằng lái xe, giấy tờ xe, bảo hiểm xe máy. Ngoài ra hãy ghi chú các thông tin liên hệ cho người bạn cần lúc khẩn cấp nhé.

Vật dụng cá nhân: Hãy mang đầy đủ các vật dụng cá nhân như bàn chải, lược, kem chống nắng… Và nhớ đừng quên mang theo kem chống muỗi để dùng vào ban đêm nhé. Bạn cũng nên mang theo một số thuốc tiêu hóa, thuốc cảm và bông băng thuốc đỏ đề phòng trường hợp bị cảm do khí lạnh hay trầy xước da trong lúc trèo đèo lội suối. Với các bạn phượt thủ thì nên chuẩn bị xăng xe cho suốt chuyến đi, vì trên đường đèo sẽ không có các trạm xăng đâu nhé.

Các thiết bị quay phim, chụp hình:Thiên nhiên và con người A Lưới luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhiếp ảnh gia, hay chỉ đơn giản là các bạn khách du lịch muốn ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc hành trình. Vì vậy, bạn không thể bỏ qua các thiết bị quay phim, chụp hình như điện thoại, máy ảnh, sạc dự phòng…

A Lưới là huyện vùng núi nằm ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế có địa hình cao và dốc, hệ thống núi non bị chia cắt bởi nhiều khe suối đã tạo nên những thắng cảnh tự nhiên hùng vĩ. Mỗi cánh rừng, mỗi ngọn đồi, mỗi con suối, mỗi lối đi... đều có ý nghĩa linh thiêng riêng và luôn in dấu sâu đậm trong lòng người dân bản địa

Nếu có dịp đến mảnh đất này, bạn nhất định phải ghé thác A Nôr để cảm nhận vẻ đẹp hùng vĩ nhưng nên thơ của vùng biên cương. Thác A Nôr nằm cách Thị trấn khoảng 3km về phía Bắc có vẻ đẹp kỳ diệu khiến du khách ngỡ ngàng khi những thác nước liên hoàn đổ xuống trong không gian được bao bọc bởi những cánh rừng xanh bạt ngàn, hoang sơ. A Nôr có lẽ là một trong những điều kỳ diệu mà tự nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng cao A Lưới.

Ẩn mình giữa núi rừng Trường Sơn thanh vắng là một thác nước cao hùng vĩ, vừa huyền bí, vừa mơ màng. Phong cảnh tuyệt đẹp với 3 thác nước liên hoàn, độ cao lên đến 8m, 60m và 120m. Thác được khởi nguồn từ 3 khe trong núi. Nước từ nguồn trong núi chảy ra tạo thành các con suối hòa vào dòng chảy, sau đó đổ về thác A Nôr tạo thành thác nước hùng vĩ. Những tảng đá vẫn lưu giữ dáng hình thuở sơ khai, lớp rêu xanh bao phủ từng phiến, chìm trong sương mù bao phủ khiến cảnh vật trở nên huyền ảo đến lạ kì.

Người dân bản địa kể lại, trước đây thác chưa có tên. Để tỏ lòng biết ơn chàng trai có công tiêu diệt con quỷ ăn thịt người, dân bản đã lấy tên chàng trai A Nôr đặt tên cho thác. Sau này mọi người thường gọi là thác A Nôr.

Thác A Nôr đang còn giữ nguyên dáng vẻ hoang sơ, thời tiết ở đây mát dịu tạo cho du khách tham quan hưởng một cảm giác trong lành, mát mẻ. Du khách đến đây được tận hưởng những giờ phút đầy thoải mái trên hành trình khám phá hoang sơ khi thăm ba ngọn thác liên hoàn nước dội vang trên ba tầng núi. Nếu có dịp đến thăm A Lưới, bạn hãy ghé qua A Nôr để được thả hồn đi chơi cho thỏa cơn mê, tắm mình trong làn nước trong veo, mát rượi, có đàn cá tung tăng bơi lội, mát xa dưới đôi bàn chân, quên đi mệt mỏi, tận hưởng một cảm giác thật viên mãn…

Giữa những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn hùng vĩ, chất chứa bao nhiêu điều bí ẩn, du khách đến A Lưới sẽ có cơ hội tìm hiểu, khám phá nếp sống và văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tà Ôi.

Sinh sống trên dải Trường Sơn hùng vĩ, dân tộc Tà Ôi hình thành, lưu giữ một nền văn hoá đặc sắc, thể hiện trong hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục lâu đời. Trong thời kỳ đất nước đổi mới, những giá trị tốt đẹp của dân tộc Tà Ôi tiếp tục lan toả, cùng góp phần hoà quyện với nền văn hoá chung, góp phần hình thành lên bản sắc văn hoá Việt Nam. Dân tộc Tà Ôi còn có tên gọi là Ta uôih hay Ta uốt, sinh sống chủ yếu ở huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), huyện A Lưới và Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế)…

Người Tà Ôi tin mọi vật đều có siêu linh, từ trời, đất, núi, rừng, suối nước, cây cối cho đến lúa gạo, con người, con vật đều có "thần" hoặc hồn. Nhiều làng còn thờ cúng chung vật "thiêng" là hòn đá, cái vòng đồng, chiêng, ché... dị dạng hoặc có xuất xứ khác lạ, được coi là có quan hệ huyền bí đối với cuộc sống của làng. Đặc biệt, dân tộc Tà Ôi có rất nhiều lễ cúng, liên quan đến sức khoẻ, tài sản, việc ngăn chặn dịch bệnh, việc làm rẫy... Những lễ lớn đều có đâm trâu tế thần và trở thành ngày hội trong làng. Gắn với chu kỳ canh tác có những lễ thức quan trọng nhằm cúng cầu thần lúa, mong bội thu, no đủ. Tết cổ truyền vào thời kỳ nghỉ ngơi sau khi tuốt lúa, trước mùa rẫy mới.

Cũng như các dân tộc anh em khác, kho tàng sáng tác nghệ thuật dân gian và hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng của người Tà ôi rất đa dạng, phong phú. Nét đẹp đa dạng nhất của văn nghệ dân gian Tà Ôi là các làn điệu dân ca, nó phong phú cả về chủ đề lẫn thể loại: điệu Calơi đối đáp khi uống rượu, hội hè, điệu Ba boih hát một mình khi lao động hoặc đi đường, điệu Roih gửi gắm, dặn dò đối với các bậc con cháu nhân các dịp vui vẻ, điệu Cha chap dành cho tình cảm trai gái của thanh niên...

A Quát là một loại bánh truyền thống của người dân tộc Pa Cô, được sử dụng trong hầu hết những dịp trọng đại của gia đình.

Bánh A Quát là biểu tượng của sự no ấm của người Pa Cô. Đây là loại bánh truyền thống được làm từ gạo nếp, gói trong lá đót tươi. Khi làm bánh A Quát, người Pa Cô không ngâm gạo nếp trước khi gói mà chỉ đãi gạo sạch rồi gói luôn. Bánh cũng không có nhân đậu xanh, thịt mỡ, hành mà chỉ hoàn toàn là gạo nếp. Vì vậy, bánh A Quát không có vị giống như bánh chưng mà dẻo thơm, mùi nếp ăn không ngán.

Phụ nữ Pa Cô thường dùng gạo nếp, loại được trồng nhiều trong các nương rẫy của đồng bào vùng cao A Lưới để làm bánh. Khi gói bánh, chị em thường cầm ngửa lá đót, rồi quấn ngọn hoặc gốc lá đót vòng quanh ngón tay cái hai vòng để tạo hình chóp nón. Sau đó, lật ngược, bốc nếp bỏ vào cho đầy, rồi quấn phần gốc hoặc ngọn còn lại của lá đót thành chóp thứ hai.

Bánh gói xong được ngâm vào nước lạnh khoảng 2 giờ để nếp nở ra, mềm hơn và mau chín. Sau đó, vớt bánh cho vào nồi, đổ ngập nước, nấu 2-3 giờ là có thể ăn được. Những người phụ nữ Pa Cô gói bánh giỏi còn có thể gói bánh A Quát có 3 chóp, phỏng theo hình ảnh con trâu có đủ thân hình và đôi sừng rất đẹp (A Quát theo tiếng Pa Cô nghĩa là con trâu). Biểu tượng trâu luôn đi kèm trong cuộc sống của người Pa Cô, gắn với việc trồng trọt, chăn nuôi, là con vật hiền lành, đem lại may mắn, ước vọng về sự no ấm, phồn thịnh. Hơn thế nữa, con trâu của người Pa Cô còn là vật tế thần, biểu tượng về ý niệm tâm linh của họ. Vì vậy, bánh A Quát thường không thể thiếu trong mâm cơm cúng lễ, Tết. Sau khi cúng xong, người Pa Cô thường ăn bánh cùng với một số món chấm như nước mắm hoặc muối dằm ớt xanh. Từng miếng bánh dẻo sóng sánh ánh màu vàng mật ong, thoảng mùi nếp, mùi lá mới với những bùi bùi, ngon, ngọt, đậm đà, cay nồng... hòa quyện vào nhau tạo nên một hương vị đủ đầy, độc đáo, thơm ngon đầy chất hoang dã riêng có của núi rừng

Điểm du lịch cộng đồng A Roàng 2 tọa lạc tại thôn A Ka 1, xã A Roàng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cách trung tâm huyện 30km về phía Nam, nằm dưới chân núi Trường Sơn hùng vĩ, đây là điểm đến hấp dẫn với loại hình du lịch sinh thái và cộng đồng đặc sắc. Du lịch sinh thái cộng đồng A Roàng 2 bắt đầu hoạt động từ năm 2022, cốt lõi của hoạt động du lịch là bám sát các hoạt động văn hóa lao động của đồng bào Tà Ôi.

Sinh sống trên dải Trường Sơn hùng vĩ, dân tộc Tà Ôi hình thành, lưu giữ một nền văn hoá đặc sắc, thể hiện trong hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục lâu đời. Trong thời kỳ đất nước đổi mới, những giá trị tốt đẹp của dân tộc Tà Ôi tiếp tục lan toả, cùng góp phần hoà quyện với nền văn hoá chung, góp phần hình thành lên bản sắc văn hoá Việt Nam.

Hoạt động Trekking rừng nguyên sinh là một hành trình về với rừng xanh đại ngàn. Đây là hoạt động đặc sắc, riêng biệt tại điểm du lịch cộng đồng này. Du khách sẽ lạc vào khung cảnh thiên nhiên kỳ vỹ, được tận mắt chứng kiến vô vàn loài động – thực vật, nhiều loài hoa rừng khoe sắc và chim muông… Hướng dẫn viên địa phương sẽ hướng dẫn cách nhận biết từng tiếng chim, cách tìm nước uống trong từng loại cây mà một người đi rừng phải biết.

Du lịch cộng đồng A Roàng 2 hiện nay đang khai thác các dịch vụ: Đạp xe quanh bản làng; Khám phá cuộc sống sinh hoạt đời thường: đan lát, dệt Dèng, khai thác rượu đoác; Trecking rừng nguyên sinh; Tắm suối khoáng; Thăm thác Pôông Chất; Thưởng thức ẩm thực truyền thống; Chương trình lửa trại; Nghỉ đêm tại nhà cộng đồng.

Điểm du lịch cộng đồng A Nôr tọa lạc tại thôn Đút 1, xã Hồng Kim, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cách thành phố Huế 60km về phía Tây, cách trung tâm huyện 3km về phía Đông Bắc. Du lịch sinh thái cộng đồng làng A Nôr bắt đầu hoạt động từ năm 2016, được Hiệp hội Du lịch Việt Nam lựa chọn và tặng Bằng khen là 01 trong 03 Làng Du lịch Cộng đồng tiêu biểu nhất Việt Nam năm 2019; Sinh thái Cộng đồng Làng A Nôr đã được UBND tỉnh Quyết định Công nhận điểm du lịch sinh thái cộng đồng Làng A Nôr năm 2020. Điểm du lịch cộng đồng A Nôr nổi bật và đặc sắc, không trùng khớp với mô hình du lịch cộng cồng nào khác khi khai thác những sản phẩm du lịch tự nhiên và đặc trưng văn hóa đồng bào Pa Cô – cư dân bản địa sinh sống lâu đời tại A Lưới.

Điểm du lịch cộng đồng A Nôr có diện tích khoảng 7ha, với điểm dừng chân nổi bật nhất là thác A Nôr. Phong cảnh tuyệt đẹp với 3 thác nước liên hoàn, độ cao lên đến 8m, 60m và 120m. Thác A Nôr đang còn giữ nguyên dáng vẻ hoang sơ, thời tiết ở đây mát dịu tạo cho du khách tham quan hưởng một cảm giác trong lành, mát mẻ. Du khách đến đây được tận hưởng những giờ phút đầy thoải mái trên hành trình khám phá hoang sơ khi thăm ba ngọn thác liên hoàn nước dội vang trên ba tầng núi. Với sự nổi tiếng của thác A Nôr và làng A Nôr, du khách gần xa ai cũng mong muốn được đặt chân đến tham quan, thả hồn đi chơi cho thỏa cơn mê, tắm mình trong làn nước trong veo, mát rượi, có đàn cá tung tăng bơi lội, mát xa dưới đôi bàn chân, du khách quên đi mệt mỏi.

Hoạt động du lịch cộng đồng tại làng A Nôr bám sát theo văn hóa người dân bản địa khi du khách đến đây có cơ hội trực tiếp trải nghiệm văn hóa của người Pa Cô. Đặt chân đến điểm du lịch cộng đồng A Nôr, du khách được trải nghiệm loại hình du lịch homestay trong những ngôi nhà sàn xây dựng theo kiến trúc đặc trưng truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, tận mắt chứng kiến những bàn tay tài nghệ của phụ nữ Pa Cô thoăn thoắt chế biến những món ăn mang đậm màu sắc miền núi. Hoạt động Một ngày làm người Pa Cô là cơ hội để du khách được hóa thân trở thành một cư dân bản địa khi được trực tiếp cũng người dân làm những món ăn, sản phẩm du lịch đặc trưng của đồng bào các dân tộc, như thịt bò hun khói A Lưới, gạo nếp than, gạo Ra-dư, mật ong rừng cùng những sản phẩm mây, tre đan, điêu khắc gỗ, dệt Zèng...

Hiện nay, Làng Du lịch cộng đồng A Nôr đã tổ chức các dịch vụ: Tham gia với làng làm người Pa cô; Tham gia chế biến ẩm thực của người Pa Cô; Cùng làm bánh A Quát, giã gạo, đan lát; Đêm du khách trải nghiệm những điệu nhạc, điệu múa của bà con Pa Cô và nghe câu chuyện hoạt động cách mạng ly kỳ và đầy oanh liệt tại thác A Nôr trong thời kỳ chống giặc; Tham quan suối thác A Nôr và gội đầu bằng thảo dược được lấy từ tự nhiên. Đồng thời, Làng đã đầu tư, xây dựng chuỗi homestay với kiến trúc nhà của cư dân bản địa, với các chất liệu mộc mạc, đơn giản nhưng không khém phần tiện nghi như: Homestay Hồ Trâm, A Nôr House, Homestay Nguyệt Nhi, Homestay Nhuận Thoa, Homestay Hồ Tuấn, Homestay Quốc Cảnh, Homestay Tô Ni Nguyên…

Không cầu kỳ như những món ăn ở miền xuôi, các món ăn truyền thống của đồng bào miền núi A Lưới giản đơn, bình dị gắn với nhịp sống lao động, gắn bó với núi rừng, hoang sơ. Cơm nếp lam (Đooi chot) là món ăn đặc trưng bản sắc cộng đồng người dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao A Lưới.

Là một món ăn tưởng chừng như đơn giản nhưng cơm nếp lam của đồng bào ở A Lưới vẫn có những quy định riêng trong cách chế biến. Ống nứa được chọn để làm cơm Lam phải là ống có lóng dài, còn tươi non, để khi hơ lửa chỉ cháy ở phần ngoài. Cơm Lam (Đooi Yhoor), cơm nếp Lam (Đooi chot) là món ẩm thực phổ biến nhất của người Pa Cô. Bà con thường dùng nếp than để nấu món này. Đây là loại nếp hạt nhỏ, dẻo, mềm... Trước khi nấu, bà con lấy nếp bỏ vào ống nứa đã rửa sạch, đổ nước vào ngập miệng ống rồi ngâm một đêm cho hạt nếp mềm. Hôm sau, người ta đổ nước ra, lấy lá chuối bịt miệng ống và đặt trên bếp than. Khi mùi thơm của cơm nếp Lam tỏa ra, ống nứa mềm thì cơm vừa chín tới. Cách bóc cơm Lam cũng phải đúng kiểu, bóc làm sao cho còn dính lại lớp vỏ lụa trắng mỏng của cây nứa thì mới cảm nhận hết vị thơm ngon, dẻo ngọt của xôi nếp.

Các món ăn truyền thống của người Pa Cô thường được bày biện trên lá chuối tươi sạch. Cái ngon của nó là giữ được nguyên vẹn hương vị tự nhiên của thực phẩm. Và hơn thế, nó không chỉ đơn thuần là món ăn mà còn chứa đựng cả nét văn hoá, nghệ thuật đã được đồng bào lưu giữ từ ngàn xưa

Giữa khung cảnh núi rừng hoang sơ, hùng vĩ, du khách đến thăm A Lưới sẽ có cơ hội tìm hiểu, khám phá nếp sống và văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Pa Cô.

Giữa ánh lửa bập bùng trong đêm khuya vắng, bên tai là âm thanh củi khô nổ lốp đốp, bạn sẽ có chơ hội được Già làng kể lại câu chuyện về khởi nguồn của dân tộc Pa Cô. Chuyện kể rằng người Pa Cô vì thật thà nên bị thua trong cuộc thi xây thành, nên phải bỏ vùng đồng bằng đang sống để đến cư trú ở nơi đồi núi, từ đời này sang đời khác, bên dãy Trường Sơn. Mặc dù đã trải qua nhiều biến động về dòng tộc, quan niệm sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng, ngôn ngữ… nhưng dân tộc Pa Cô vẫn lưu giữ được cốt cách, phong tục và tâm hồn phóng khoáng, mộc mạc của mình. Người Pa Cô cư trú tập trung ở hai tỉnh: Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị. Tại Thừa Thiên Huế tập trung chủ yếu ở các xã vùng cao A Lưới. Đây có thể xem là “thủ phủ” của cộng đồng dân tộc Pa Cô.

Từ bao đời nay, người Pa Cô cư trú theo bản. Trước đây, mỗi bản thường có 5-10 nhà sàn dài, được làm hoàn toàn bằng gỗ, tre, nứa, mái nhà lợp lá rừng. Người dân trong bản chủ yếu là bà con cùng dòng tộc nội, ngoại, rất ít người ngoài. Nhà dài truyền thống có nhiều vách ngăn, gồm nhiều bếp lửa của nhiều hộ gia đình cùng chung sống. Các dãy nhà sàn được dựng quây quần quanh một khoảng sân lớn giữa làng. Ở giữa sân có một cây cột lớn. Vào những dịp lễ hội, cây cột này được trang trí thành cây nêu. Đây là trung tâm của cả làng, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, lễ hội của cả cộng đồng.

Trong đời sống văn hóa tinh thần, đồng bào dân tộc Pa Cô có nhiều lễ hội mang màu sắc tin ngưỡng như: Pul Boh (lễ giữ rẫy), Ada (ngày hội mùa) và Ariêu Ping (lễ bốc mả). Nếu như ở lễ cúng Ada thể hiện mong ước cầu mong thần cho mỗi nhà, mỗi bếp trong từng gia đình cũng như cả làng được bình yên, con người được mạnh khỏe, mùa vụ năm tới bội thu, thì lễ cải táng mồ mả (A riêu ping) được tổ chức với mục đích đem lại sự bình yên, siêu thoát cho những người đã khuất, mang lại cho dân làng một cuộc sống ổn định, không ốm đau, bệnh tật.

Bên cạnh các lễ hội, người Pa Cô còn có kho tàng văn hóa dân gian phong phú với những làn điệu dân ca độc đáo như: Cha chấp, A dên, Ka lơi... Người Pa Cô cũng chế tác và sưu tầm nhiều loại nhạc cụ độc đáo để diễn xướng cùng các làn điệu dân ca như: khèn, cồng chiêng…

Ngày nay, khi xã hội ngày càng tiến bộ vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực, kinh tế, khoa học, văn hóa, giáo dục, đồng bào Pa Cô cũng đang từng ngày thay đổi để thích ứng, tồn tại và phát triển cùng những điều kiện sống hiện đại, được thể hiện rõ trong hoạt động du lịch cộng đồng

(Bài viết có sử dụng hình ảnh minh họa từ nguồn chị Như Ngọc – Cán bộ xã Sơn Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế)

LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG – LỄ HỘI AZA KOONH

Aza là lễ hội truyền thống, là Tết cổ truyền của dân tộc Pa Cô nói riêng và các dân tộc thiểu số huyện A Lưới nói chung. Đây là một trong những nét tinh hoa văn hóa tốt đẹp, độc đáo luôn được gìn giữ, phát huy.

Tết Aza Koonh còn được gọi với nhiều tên khác như: Tết Aza, Tết cơm mới, lễ hội tri ân cây lúa… Trong ngày hội Aza người dân thể hiện lòng thành kính biết ơn đến các vị thần linh, lòng biết ơn đến mẹ của các giống cây trồng, đặc biệt là mẹ cây lúa đã nuôi dưỡng lớp con cháu từ thế hệ này đến thế hệ khác. Đồng thời, lễ hội cũng để cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, đem lại mùa màng bội thu cho năm sau.

Theo thông lệ, Tết Aza được bắt đầu từ mồng 6/11 âm lịch và kéo dài cho đến hết ngày 24/12 âm lịch. Trong những ngày này, mỗi làng sẽ chọn một ngày đẹp nhất trong khoảng thời gian đó để tổ chức lễ Aza. Thường thì hai ngày tốt nhất đó là ngày mồng 6/11 và ngày 24/12 âm lịch vì đó là thời điểm mặt trăng đẹp nhất.

Lễ hội Aza Koonh có rất nhiều nghi lễ: Nghi lễ a xa a rah (lễ tẩy rửa), Kâl laiq (xua đuổi các linh hồn dữ), Cha chootq (lễ chuẩn bị), Ka coong tro (lễ mời mẹ lúa), lễ cúng Aza, lễ cúng cho Giàng Xứ (giàng sông, suối, gió, mây, lửa, đất, đường sá…), lễ Cha đooi âr beh (lễ ăn cơm mới), lễ giao mâm cỗ…

Trong các bước nghi lễ, lễ cúng Giàng A zel rất được người dân nơi đây xem trọng. Theo quan niệm của người Pa Cô, A zel có 2 vị thần là thần A bum a boi ở trên trời có công mài nhẵn hình hài con người tạo nên các giống cây trồng vật nuôi, điều hòa khí hậu cho mùa màng tốt tươi, bội thu. Thần Tu looi taarr tooq (thần giun đất) ngự trị ở dưới đất, sinh sản lớp đất thịt màu mỡ và có công nuôi dưỡng các loại giống cây trồng tươi xanh, nặng bông, trĩu quả

Khi phần lễ kết thúc cũng là lúc bước vào phần hội. Lúc này, trong không khí vui mừng đón tết Aza Koonh, những chàng trai, cô gái Pa Cô sẽ cùng nâng lên những ly rượu đầy để chúc mừng nhau có sức khỏe dồi dào, một vụ mùa bội thu. Trong những làn điệu dân ca truyền thống, họ cùng nhau ca những ca khúc, nhảy những điệu múa của dân tộc mình.

Theo người Pa Cô, hằng năm, lễ hội Aza được tổ chức không chỉ tạ ơn các đấng thần linh theo phong tục mà còn là dịp để người dân ở các thôn bản ngồi lại quây quần bên nhau, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt để giúp nhau phát triển kinh tế. Đó cũng là dịp để tăng cường thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các bản làng.

Với những giá trị mang đậm bản sắc văn hóa, ngày 20/12/2019, Bộ VHTTDL đã quyết định đưa Lễ hội Aza Koonh của người Pa Cô huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế vào danh mục được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, lễ hội đã được phục dựng và đưa vào phục vụ tại nhiều sự kiện văn hóa của địa phương.

TỤC ĐI SIM – NÉT ĐẸP VĂN HÓA NGƯỜI PA CÔ

Sinh sống lâu đời tại vùng đất huyện A lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng bào dân tộc Pa Cô hình thành, lưu giữ một kho tàng văn hoá truyền thống đặc sắc, trong đó tục đi sim là một dấu ấn văn hoá tuyệt đẹp về tình yêu của người Pa Cô.

Theo già làng dân tộc Pa Cô cho biết Pộôc xu hay còn gọi là “đi sim” là tập tục đã có từ lâu đời vẫn lưu truyền đến nay trong thế hệ trẻ. Các chàng trai cô gái dân tộc Pa Cô khi đến tuổi trăng tròn, sau ngày lên nương làm rẫy, vào mùa trăng sáng đẹp họ lại nô nức rủ nhau đi sim. Đi Sim là dịp để các đôi nam nữ đến tuổi dựng vợ gả chồng tìm hiểu nhau, trao nhau những làn điệu, câu hát, những bản nhạc làm say đắm lòng người.

Tục đi Sim như một minh chứng cho việc bình đẳng trong tình yêu, hôn nhân của những bạn trẻ chứ không có chuyện cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Đây là một điều rất tiến bộ trong suy nghĩ của bà con nơi đây. Đi Sim, thường các cô gái đi trước, họ mang theo chiếc Tựp đầy cơm nếp, thịt gà, cá nướng làm vật nhận lời, họ lên chòi chờ người yêu “Târ roonh” tới. Xa xa, những bước chân vội vã của các chàng trai… họ mang theo chuỗi cườm, hạt mã não hay vòng bạc đồng tiền làm vật ngỏ lời. Khi các chàng trai đến nơi thì các cô gái đã ngủ trên chòi rồi nhưng họ chỉ ngủ giả vờ. Các chàng trai tới không lên thẳng trên chòi mà đứng dưới chân cầu thang hát gọi. Một trong những điều không thể thiếu trong những lần đi Sim hò hẹn là những bài hát giao duyên với ca từ đẹp để bày tỏ nỗi niềm tâm sự, khát khao yêu thương mà những đôi trai gái dành cho nhau.

Sau khi cất tiếng hát gọi và được cô gái đáp lại các chàng trai bắt đầu tiến đến chòi A Tiêng nơi có Târ roonh của mình đang chờ. Khi đã lên chòi rồi, chàng ngồi bên này, nàng ngồi bên kia, chính giữa là bếp lửa hồng cháy đều vừa đủ soi mặt hai người, điều này thể hiện giữa hai người vẫn còn xa lạ, họ trò chuyện nhìn nhau trong e thẹn, họ ngồi với nhau như vậy cho đến khi gần nửa đêm, nếu cảm thấy ưng ý cô gái mới mời chàng trai thưởng thức món cỗ mà nàng mang theo. Ngược lại, đến quá giờ này mà cô gái không chịu trao món cỗ tình yêu này thì đồng nghĩa với câu nói “Từ chối lời cầu hôn của chàng”.

Nét độc đáo nhất ở tục đi Sim là ở chỗ, từng đôi trai gái mới lớn lên, nhựa tình yêu tràn trề sức sống, họ sống bên nhau, cùng ăn, cùng ở, cùng đắp tấm dèng ấm cúng qua đêm trong cái chòi hoàn toàn cách biệt bên ngoài cùng với khung cảnh đầy lãng mạn trong thời gian dài như vậy. Nhưng họ chỉ giữ nguyên tình yêu trong sáng chứ không bao giờ vi phạm chuyện “chăn gối”. Bởi người Pa Cô quan niệm rằng, chuyện “chăn gối” là chuyện thiêng liêng nhất của đời người, chỉ khi nào thành vợ thành chồng họ mới dâng hiến cho nhau. Còn khi yêu nhau mà phạm chuyện đó thì thật xấu hổ, nhơ bẩn, nhục nhã, kiêng cự. Giàng sẽ trừng phạt bằng cách gây ra đau ốm, chết chóc cho gia đình, làng bản. Già làng mà biết cha mẹ, gia đình, họ tộc sẽ bị trừng phạt rất nặng, thậm chí gom hết tài sản của cả họ tộc vẫn không đủ nộp phạt. Vì thế các chàng trai cô gái đã đến tuổi trăng tròn, được cha mẹ cho phép đi tìm bạn nhưng tuyệt đối không phạm tục đi Sim.

Restaurant Popup

Nhà hàng

Kinh doanh du lịch cộng đồng

Restaurant 1 Quán A Lá
Restaurant 2 Hồ Trâm
Restaurant 3 Hue Crown A Luoi
Restaurant 3 Mường Homestay
Restaurant 3 Quán 79

Book Tour

Dành cho khách nước ngoài

Loading
Your booking request was sent. We will call back or send an Email to confirm your reservation. Thank you!

Liên hệ

Trước hoặc sau chuyến đi

Điểm đến:

A Lưới

Giờ làm việc:

Thứ 2 - Thứ 7
11:00 AM - 23:00 PM

Gọi:

+84 706 966 4144

Loading
Your message has been sent. Thank you!